Nội dung:
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng khoảng 8,02% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước; xuất khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài, trong nước; doanh nghiệp thành lập mới... cũng tăng trưởng khá.
Tăng trưởng nằm tốp đầu cả nước
Trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 6 tháng đầu năm 2019 của cả nước chỉ tăng 6,76% thì GRDP Đồng Nai đã tăng cao hơn gần 1,3%. Bán lẻ hàng hóa dịch vụ cả nước chỉ tăng 8,09% so với cùng kỳ năm 2018 thì tại Đồng Nai vẫn giữ mức tăng gần 11,8%. Giá trị sản xuất nông nghiệp, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... của tỉnh cũng cao hơn bình quân chung của cả nước.
Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư đánh giá, ở bối cảnh mà khoảng 70% các nền kinh tế thế giới, trong đó hầu hết là các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại mà Đồng Nai vẫn giữ được mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước là một nỗ lực rất lớn.
“Thu hút đầu tư nước ngoài trong gần 6 tháng đầu năm đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018, còn thu hút đầu tư trong nước gần 7,4 ngàn tỷ đồng, tăng 7%. Doanh nghiệp thành lập mới là 1.728 doanh nghiệp, tăng gần 5% nhưng vốn đăng ký tăng đến 40%. Một nguyên nhân lớn khiến Đồng Nai có được kết quả khả quan này là do tỉnh đã thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư” - ông Hà cho hay.
Thực tế, những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm cho xuất khẩu của tỉnh gặp khó khăn, song kim ngạch 6 tháng đã đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018 và Đồng Nai vẫn đạt mức xuất siêu hơn 1,4 tỷ USD.
Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của tỉnh. Hàng Trung Quốc không xuất qua Mỹ được đã quay về thị trường nội địa, thị trường ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... do đó hàng hóa của Đồng Nai vào các thị trường trên bị cạnh tranh mạnh mẽ hơn”. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã được ký kết nên sắp tới đây xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường này sẽ tăng cao và có thể bù lại.
Mặc dù xảy ra dịch tả heo châu Phi ở một số địa phương khiến chăn nuôi của tỉnh gặp khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt mức tăng 3,25%, cao hơn 2,5 lần so với bình quân chung của cả nước.
Tập trung thu ngân sách
Từ đầu năm 2019, các sở, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ, khẩn trương các giải pháp về thu, chi ngân sách. Đến hết tháng 6-2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh được 25,5 ngàn tỷ đồng, đạt 47% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa trên 16,9 ngàn tỷ đồng, đạt 46% dự toán và thu từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu trên 8,5 ngàn tỷ đồng, đạt 50% dự toán.
Những tháng đầu năm, thu nội địa vẫn rất khó khăn, đặc biệt là nguồn thu từ các doanh nghiệp trên địa bàn. Dù nhiệm vụ thu ngân sách năm nay giao cho tỉnh đã giảm hơn 1 ngàn tỷ đồng, xuống còn hơn 37 ngàn tỷ đồng, song đến quý II, mức thu vẫn chưa đạt nửa kế hoạch so với dự toán năm. Thu nội địa không đạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi ngân sách của tỉnh, do ngân sách của tỉnh được trích lại phần trăm từ nguồn thu này. Còn các khoản thu từ đấu giá đất chỉ được dùng thực hiện các dự án về đầu tư hạ tầng.
Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Thanh Bình cho biết: “Thu nội địa chủ yếu là do đóng góp của các khoản thu từ tiền cho thuê mặt đất, mặt nước, tiền sử dụng đất. Trong 2 quý cuối năm nay, thu nội địa phải được hơn 20 ngàn tỷ đồng thì mới đạt dự toán được giao”. Riêng các khoản thu có tỉ trọng lớn như: thu từ lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước của trung ương, địa phương và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đạt thấp.
Một số kết quả đạt được của tỉnh Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2019 (Thông tin Hương Giang - Đồ họa Hải Quân) |
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đã yêu cầu, Cục Thuế Đồng Nai phải phối hợp với các địa phương rà soát thuế nội địa để tăng thu, đảm bảo kế hoạch được giao. Hiện đất đai Đồng Nai đang được sang nhượng nhiều nên cần chú ý thu thuế trước bạ, thuế từ các hoạt động sang nhượng đất đai. Thực tế lâu nay, nhiều cá nhân, đơn vị sang nhượng đất đai đã “lách” thuế bằng cách khai số tiền bán đất rất thấp, có khi chỉ bằng 30-40% so với giá bán thực tế. Việc này cũng gây thất thu không nhỏ cho ngân sách.
Chính sách an sinh xã hội ổn định
Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 47 ngàn lượt lao động, đạt gần 59% kế hoạch. Các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp đã đào tạo nghề cho khoảng 38,5 ngàn người. Cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp và tăng lao động phi nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người tăng lên.
Đồng Nai thực hiện công tác giảm nghèo khá tốt so với các tỉnh, thành trong cả nước. Trong những tháng đầu năm, tỉnh đã mua và cấp gần 30 ngàn thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo theo quy định.
Về công tác khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay nhận hơn 3,4 ngàn đơn, giảm 16% so với cùng kỳ. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, người dân khiếu nại chủ yếu ở lĩnh vực đất đai gồm: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất.
Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh thực hiện giáo dục hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh. Đến cuối học kỳ I năm học 2018-2019, các trường đại học, phân hiệu trường đại học trên địa bàn tỉnh đào tạo gần 22 ngàn sinh viên, trong đó có trên 11,3 ngàn sinh viên tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, tỉnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo.
Comments