Ông Nguyễn Văn Hào (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh) phấn khởi cho biết, mùa mưa năm nay bà con trong vùng không còn lo lắng, bất an khi đi qua những cây cầu gỗ cũ kỹ, không đảm bảo an toàn. Từ khi có cầu mới, lưu thông thuận lợi, học sinh đi lại dễ dàng hơn, cuộc sống của bà con từng bước khởi sắc.
* Góp sức xóa dần cầu gỗ tạm
Các khu dân cư ở ấp 2, xã Phước Khánh nằm xen giữa nhiều kênh, rạch lớn nhỏ. Cứ vài chục mét lại có một con kênh giống như vùng sông nước miền Tây. Để đi lại, nhiều năm qua người dân phải làm cầu gỗ tạm để bắc qua kênh, mương. Do cầu nhỏ, không đủ chắc chắn để chở nông sản nên hầu như nhà nào trong ấp cũng sắm vỏ lãi loại nhỏ làm phương tiện đi lại.
Những người sống trong ấp vẫn chưa quên hình ảnh một con đường chỉ dài vài cây số nhưng có đến hàng chục cây cầu gỗ tạm bợ, nhỏ hẹp. Mỗi lần chở vật liệu, hàng hóa thì phải sử dụng ghe; không ít lần cầu bị gãy, rớt cả xe và người xuống nước, may mà người được cứu kịp. Cách vài ngày, bà con lại cử người trong ấp thay nhau đi sửa cầu, hễ cứ sút ván lại mua đinh, gỗ về đóng.
“Ở đây nhiều người dân cũng có điều kiện nhưng vẫn ở nhà cũ kỹ vì họ ngại xây nhà mới, bởi mỗi lần xây nhà rất vất vả do vận chuyển vật liệu xây dựng rất khó khăn, hầu hết chở bằng ghe nên chi phí tăng lên gấp 2-3 lần” - ông Hào bộc bạch.
Giao thông không thuận lợi nên cuộc sống của người dân đa phần khó khăn. Mùa nước cạn đi lại đã rất vất vả, đến mùa mưa lũ lại càng gian nan và nguy hiểm gấp trăm lần. Những ngày mưa to gió lớn, những chiếc cầu gỗ cũng trở nên yếu ớt, chông chênh, vì vậy bà con lúc nào cũng mong mỏi có được chiếc cầu kiên cố.
Ông Châu Thanh Việt, Trưởng ấp 2 cho biết, cuối năm 2018 ông cùng chính quyền địa phương đi vận động bà con góp sức xây cầu, hiến đất làm đường. Ngày đi gõ cửa từng nhà, ai nấy đều vui mừng đồng thuận. Một số người sẵn sàng đóng góp 10-50 triệu đồng, còn lại chung tay ủng hộ vài ba triệu đồng. Với những gia đình khó khăn thì góp sức, ngày công lao động.
Ngoài số tiền do các mạnh thường quân ủng hộ, bà con ấp 2 đã đóng góp hơn 300 triệu đồng để xây dựng 3 cây cầu bê tông kiên cố (tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng). Mỗi cây cầu bề ngang rộng 2,5m, chiều dài khoảng 8-10m. Ngoài ra, người dân còn tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giúp xe cộ lưu thông được thuận lợi và an toàn hơn.
Trong quá trình xây cầu, làm đường, mọi thông tin về kinh phí và tiến độ xây dựng đều được công khai minh bạch để người dân biết và giám sát. Nhờ phát huy tốt công tác dân vận và thực hiện dân chủ nên người dân tích cực hưởng ứng phong trào xây cầu bê tông xóa cầu tạm do chính quyền địa phương phát động.
“Muốn xây dựng một tuyến đường hay cây cầu nào đó, địa phương tiến hành họp dân để bàn bạc, một khi người dân đồng tình mới triển khai thực hiện. Với bà con, bao năm đi lại khó khăn nên khi nghe tin xây cầu, làm đường bê tông thì đều thuận lòng và khấp khởi vui mừng. Với những ai đã từng đi trên những chiếc cầu xiêu vẹo sẽ hiểu rõ cảm giác sợ hãi bất an đến nhường nào” - ông Việt nói.
* Thay cầu gỗ bằng cầu bê tông
Sau hơn 2 tháng thi công, đến tháng 2-2019, 3 cây cầu bắc qua các con rạch: Thông Lu, Cầu Dừa và Lương Hoàng đã hoàn thành. Đây là những cây cầu đi vào những tuyến đường chính của ấp 2. Ngày khánh thành cầu, người dân trong ấp vui như hội. Không những xe máy, xe đạp lưu thông thuận lợi mà xe tải, xe ô tô cũng có thể vào sâu trong ấp không phải chịu cảnh “qua sông lụy đò” như trước.
Bà Trần Thị Thu (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh) bộc bạch, chỉ 4 tháng trước người dân nơi đây đi lại còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng giờ đây đi lại thuận tiện hơn. Vui nhất là các em học sinh bởi con đường đến trường đã bớt nhọc nhằn.
Sự thay đổi rõ rệt nhất là những căn nhà mới khang trang đua nhau mọc lên, nhiều gia đình cũng bắt đầu sắm xe, phát triển sản xuất. Cách đây mấy ngày, vợ chồng bà Thu vừa mua cho các con 2 chiếc xe máy mới để đi làm tại các xí nghiệp cách nhà hơn chục cây số.
“Nhà tôi và những hộ dân trong ấp cũng không khá giả mấy, nhưng làm cầu là việc chung và đem lại lợi ích lâu dài nên gia đình nào cũng nhiệt tình ủng hộ. Ngoài góp tiền, mỗi hộ đều có người trực tiếp tham gia xây dựng nên đây chính là những cây cầu làm từ sức dân” - bà Thu tâm sự.
Về xã Phước Khánh, ngoài khu vực ấp 2 thì ở những nơi khác trong xã cầu gỗ đang dần được thay thế bằng những chiếc cầu bê tông kiên cố từ sự đóng góp công sức của nhân dân. Không chỉ góp phần tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng mà việc đồng lòng, hợp sức xây cầu còn làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Phó chủ tịch UBND xã Phước Khánh Nguyễn Thị Thúy cho biết, trong năm 2018 ngoài 3 cầu bê tông, xã Phước Khánh còn làm gần 6km đường giao thông, hơn 20km kênh mương nội đồng và 30 công trình xanh - sạch - đẹp từ sức dân. Ngoài việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, việc đóng góp xây dựng cầu của những người dân còn thể hiện tinh thần đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn m
Theo báo Đồng Nai
Comments