Nội dung:
Các bệnh về răng miệng thường gặp như sâu răng, viêm nướu, hôi miệng,... Đây là các bệnh rất phổ biến, dễ mắc phải và luôn khiến chúng ta cảm thấy khó chịu. Bài viết dưới đây, mình sẽ chia sẻ những dấu hiệu, nguyên nhân gây ra các bệnh về răng miệng để các bạn sớm nhận biết và có biện pháp phòng ngừa bệnh đúng cách.
Các bệnh về răng miệng thường gặp
1. Đau răng
Đây là một bệnh lý về răng phổ biến nhất. Là tình trạng bên trong hoặc xung quanh bề mặt răng trở nên đau buốt. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà cảm giác đau răng sẽ có khác biệt. Một số biểu hiện điển thị:
Cảm thấy nướu xung quanh răng bị đau.
Đau nhói khi bạn chạm vào răng hoặc cắn xuống.
Khó chịu khi nhai thức ăn, dùng đồ uống nóng hoặc lạnh.
Đau răng thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Một số nguyên nhân gây đau răng điển hình như: sâu răng, viêm nướu răng, áp xe răng, mọc răng khôn,... và một số nguyên nhân ít gặp như nghiến răng, gãy răng, bề mặt răng bị lộ ra ngoài.
2. Sâu răng
Sâu răng là một trong những bệnh về răng miệng thường gặp nhất và xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng chủ yếu là ở trẻ em do vệ sinh răng không tốt, ăn nhiều đồ ăn thức uống có đường,... Nếu không chữa trị sâu răng sớm sẽ có thể dẫn đến đau răng nặng, nhiễm trùng, mất răng và các biến chứng nặng khác.
Một số triệu chứng nhận biết sâu răng là trên răng xuất hiện các lỗ nhỏ màu đen, đau nhói khi ăn uống đồ nóng lạnh, đau khi nhai, chảy máu, có mủ quanh răng, sưng nướu, có mùi hôi,...
3. Nứt răng, nứt gãy chân răng
Thỉnh thoảng, một vài chiếc răng bị nứt mà bạn không biết rõ lý do. Nguyên nhân thường gặp là khi nhai mạnh vào vật cứng, tật nghiến răng, ăn uống đồ quá nóng hoặc quá lạnh, chấn thương,... Có thể nứt vỡ đột ngột và đau ngay lập, nêu không điều trị sớm bệnh sẽ chuyển nặng theo thời gian như ăn nhai thấy ê buốt, cơn đau dữ dội kéo dài,...
Bệnh có thể chẩn đoán dựa vào mắt thường hoặc đôi khi khó thấy phải nhờ vào chụp Xquang. Tùy thuộc vào tình trạng của răng mà nha sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị khác nhau. Có thể điều trị cần bọc răng sứ hoặc chữa tủy nếu viêm tủy không phục hồi được, bỏ mảnh răng nứt hoặc có thể phải nhổ răng nếu nứt gãy quá sâu dưới răng.
4. Bệnh sứt mẻ răng
Răng mẻ là trường hợp thường gặp nhất trong chấn thương nha khoa. Nguyên nhân giống như trường hợp nứt gãy chân răng. Bạn dễ dàng có thể làm sứt mẻ răng bởi những động tác cơ bản như nhai mía,... Nha sĩ sẽ giúp bạn phục hồi lại hình dạng của răng bằng trám hoặc bọc mão.
5. Răng xỉn màu, đổi màu
Răng nguyên thủy được ví von như tấm áo trắng. Tuy nhiên, răng lại dễ dàng bị nhuộm màu bởi do dùng thuốc, thức ăn, đồ uống có màu, các vi khuẩn sinh màu, các vết trám răng hoặc do chấn thương gây chết tủy răng. Các cách sau đây có thể giúp khắc phục tình trạng này:
Loại bỏ mảng bám, tẩy trắng răng
Sử dụng kem đánh răng hoặc nước súc miệng làm trắng răng
Thay răng sứ đối với trường hợp răng bị nhiễm màu nặng
6. Biến chứng do răng khôn
Đây là răng mọc muộn nhất và thường không đủ chỗ trên cung hàm nên hay bị mọc lệch, mọc ngầm, lợi trùm gây ra nhiều biến chứng khó chịu như: gây sưng viêm, viêm chân răng, gây sâu răng, đẩy nhóm răng phía trước xô lệch,... Nên khám phát hiện răng khôn sớm và nhổ trước khi nó gây biến chứng nghiêm trọng.
Thời gian đầu bệnh không nguy hiểm, nhưng nếu để lâu thì có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn nhai của bệnh nhân. Thậm chí, nó còn gây suy nhược cơ thể khi thường xuyên bị đau nhức. Vậy răng khôn bị sâu phải làm sao? Bạn có thể tham khảo thêm cách điều trị và chăm sóc răng khôn sau khi điều trị: Tại đây
7. Tình trạng mòn răng
Mòn răng là tình trạng răng bị mất cấu trúc. Nguyên nhân là axit tấn công men răng. Triệu chứng bệnh thay đổi từ răng nhạy cảm cho đến nứt vỡ. Bạn sẽ cảm thấy răng trở nên nhạy cảm, đổi màu, nứt nẻ hoặc hình dáng răng thay đổi. Men răng bị mòn xảy ra phổ biến ở mọi người nhưng cũng là bệnh có thể dễ dàng phòng ngừa được.
Khi bị mòn răng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn trám răng nếu tình trạng bệnh của bạn nghiêm trọng. Đồng thời để ngừa bệnh, bạn nên đánh răng 2 lần/ngày, súc miệng sau khi ăn thực phẩm có axit, uống nhiều nước và dùng chỉ nha khoa đúng cách.
8. Viêm nha chu
Lợi là hàng rào bảo vệ ngoài cùng của răng chống lại các vi khuẩn có hại và các sang chấn bên ngoài. Viêm lợi xảy ra khi viêm nướu, cao răng tích tụ lâu ngày, mất cân bằng giữa sự chống đỡ của hệ miễn dịch và vi khuẩn bám trên răng.
Bệnh gây tổn thương đến mô bao quanh răng. Biểu hiện của bệnh viêm nha chu là lợi của người bệnh sẽ bị sưng đỏ, dễ chảy máu. Nếu bệnh nặng có thể dẫn đến viêm quanh răng thậm chí là mất răng.
Bạn có thể tham khảo cách chữa viêm lợi hiệu quả tại nhà được nhiều người quan tâm.
9. Bệnh nướu răng
Bạn có hay bị chảy máu ở nướu hay không? Nướu bạn có hay bị sưng và có cảm giác trồi ra khỏi bề mặt răng không? Nếu có thì bạn đang mắc bệnh nướu răng đấy. Nguyên nhân dẫn đến có thể là do các mảng bám hoặc vi khuẩn dưới nướu gây ra các tình trạng viêm. Viêm nướu là tình trạng nhẹ của bệnh viêm nha chu.
Nếu không điều trị bệnh sớm sẽ làm ảnh hưởng đến răng và thậm chí cả xương hàm. Răng sẽ ngày càng lung lay, khiến việc nhai trở nên vô cùng khó khăn. Để tránh tình trạng viêm nướu răng, bạn nên đánh răng 2 lần mỗi ngày và khám răng định kỳ thường xuyên 6 tháng/lần.
10. Viêm tủy răng
Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn từ bệnh về sâu răng, chúng sẽ xâm nhập qua lỗ răng sâu và qua cuống răng. Ngoài ra, bệnh viêm tủy răng còn do nguyên nhân khá như hóa chất nhiễm độc chì, do thay đổi áp suất môi trường, do chấn thương làm đứt mạch máu nuôi tủy răng,...
Triệu chứng của viêm tủy răng thường xuất hiện những cơn đau dữ dội, đau khi ăn uống đồ nóng lạnh, nhiều trường hợp còn có mủ dẫn đến đau giật mạnh như gõ trống bên tai.
11. Chứng hôi miệng
Hôi miệng ảnh hưởng rất lớn đến sự tự tin của nhiều người. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hôi miệng như do thức ăn bị mắc vào răng, thực phẩm có mùi như tỏi, hành, mắm tôm,..., vệ sinh răng miệng kém, do dùng thuốc, hút thuốc lá, do mắc các bệnh lý như viêm nha chu, sâu răng, ung thư miệng, vi khuẩn ở dưới lưỡi,...
Việc điều trị bệnh sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây hôi miệng. Bạn cần chú ý tới một số biện pháp khắc phục các triệu chứng hôi miệng như vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày, loại bỏ các thức ăn bám trên răng bằng chỉ nha khoa, uống nhiều nước, tránh dùng các thực phẩm gây mùi,...
12. Khô miệng
Là tình trạng thiếu nước bọt kéo dài kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến việc tiêu hoá thức ăn và sức khỏe răng miệng.
Khô miệng có nhiều nguyên nhân như dùng một số loại thuốc trong điều trị bệnh có thể phát sinh tác dụng phụ làm khô miệng, do lão hóa, hút thuốc lá,... Ngoài ra, khô miệng còn là hậu quả của một số bệnh như bệnh tiểu đường, HIV/AIDS, rối loạn lo âu,...
Khô miệng có thể gây ra các triệu chứng như khô trong miệng, có vết loét, khó nuốt, viêm họng, cảm giác thay đổi hương vị,...
Một số lời khuyên có thể giúp bạn cải thiện các triệu chứng khô miệng và giữ cho răng khỏe mạnh: nhai kẹo cao su không đường, hạn chế sử dụng cafein, uống nhiều nước, hít thở bằng mũi không thở bằng miệng,...
13. Nấm miệng
Thường do vi nấm gây ra, các vi nấm này thường tích tụ trên niêm mạc miệng, lưỡi, trong má, có màu trắng, gây tổn thương răng miệng. Đôi khi nấm còn lây lan sang vòm miệng, nướu răng và sau cổ họng.
Bất kỳ ai cũng có thể bị nấm miệng nhưng trẻ nhỏ, những người đeo răng giả hoặc người có hệ miễn dịch kém thường rất dễ nhiễm nấm miệng.
Việc điều trị nấm miệng cũng tùy thuộc vào độ tuổi, nguyên nhân gây nấm và sức khỏe của người bệnh. Bạn có thể áp dụng các phương pháp vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày, tránh dùng nước súc miệng làm thay đổi độ pH trong miệng, không dùng chung bàn chải để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
14. Lở loét miệng
Lở loét miệng luôn gây ra nhiều phiền toái và cảm giác khó chịu cho người bệnh. Thường thì loét miệng sẽ tự biến mất sau 2 tuần trừ những trường hợp tiến triển nặng.
Loét áp tơ là loại loét miệng phổ biến xảy ra bên trong miệng. Trường hợp này không gây lây nhiễm.
Loét miệng do virus xuất hiện ở rìa ngoài môi. Bệnh dễ lây lan và sẽ hết các triệu chứng sau 14 ngày nhưng không khỏi hoàn toàn.
Loét miệng do nhiễm nấm men ở miệng. Bệnh này có thể gặp ở trẻ sơ sinh, người đeo răng giả, người mắc bệnh tiểu đường.
Đây không thực sự là bệnh liên quan hoàn toàn đến răng miệng. Nhưng lở loét miệng có thể xảy ra nếu vệ sinh răng miệng kém, ăn nhiều đồ cay nóng. Bạn có thể cải thiện các triệu chứng bằng cách súc miệng bằng nước muối sinh lý và vệ sinh nhẹ nhàng.
15. Ung thư miệng
Trường hợp mắc ung thư vùng miệng ngày càng tăng qua mỗi năm. Do ung thư miệng không có dấu hiệu rõ ràng ở từng giai đoạn nên cách tốt nhất để phát hiện ung thư miệng là khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần. Phương pháp điều trị ung thư miệng hiện nay là phẫu thuật kết hợp với hóa trị và xạ trị
Chăm sóc đúng cách phòng ngừa các bệnh răng miệng thường gặp
Hầu hết các bệnh về răng miệng thường gặp có thể phòng ngừa nếu bạn chăm sóc răng miệng tốt. Chăm sóc răng miệng là việc làm cần thiết tuy nhiên phần lớn mọi người chưa thực sự chăm sóc răng miệng đúng cách. Dưới đây mình xin chia sẻ với các bạn một số cách chăm sóc răng miệng hiệu quả và vô cùng đơn giản:
Vệ sinh răng miệng thường xuyên ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng tối.
Súc miệng sau khi ăn xong để loại bỏ các mảng bám trên răng.
Thay đổi bàn chải đánh răng 3-4 lần trong năm.
Trám một lớp bảo vệ mỏng trên bề mặt nhai của răng có thể giúp ngừa sâu răng phát triển.
Ăn uống lành mạnh, tránh xa đồ ngọt.
Không sử dụng các chất kích thích.
Khám nha sĩ định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện các bệnh về răng miệng và điều trị sớm.
Trên đây là một số nguyên nhân và dấu hiệu của các bệnh về răng miệng thường gặp. Hi vọng với những thông tin mình chia sẻ, các bạn có thể sớm phát hiện ra các bệnh về răng miệng và cách chữa trị bệnh đúng cách tránh để lại hậu quả không đáng có.
Comments